see more blog

Vì sao startup phải tính đến công nghệ đám mây?


 
 
Một khảo sát của Vettel IDC cho thấy có khoảng 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đến chuyển đổi lên đám mây, trong khi 60-80% doanh nghiệp lớn đặt ra bài toán này. Ở khu vực công, mức độ này ít hơn nhưng cũng dao động trong khoảng từ 40-50%.
 
Vậy đám mây là gì? Hãy nghĩ về nó như một nghịch đảo của những hệ thống truyền thống vốn được thiết kế nguyên khối, chạy trên một trung tâm dữ liệu tại chỗ (on-premises) và có chu kì phát triển hàng năm trời. Những ứng dụng đám mây sẽ gồm các thiết kế đóng gói (container) có thể ghép nối được với nhau, mỗi dịch vụ sẽ là một tính năng độc lập mà khi điều chỉnh sẽ không gây ảnh hưởng đến những tính năng khác hoặc toàn bộ hệ thống .
 
Trên đám mây, các nhà phát triển phần mềm và các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây tương tác với nhau thông qua một cổng API. Họ có thể thuê mua quyền sử dụng hạ tầng và những dịch vụ có sẵn như lưu trữ, an ninh, bảo mật, quản lý, tự động hóa…
 
Với các startup, điều này rất quan trọng. Những nguồn lực trước đây chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp lớn hiện đã có thể được truy cập dễ dàng với giá cả phải chăng và chất lượng tốt. Doanh nghiệp giờ chỉ cần dồn nguồn lực vào những gì họ làm tốt nhất: hiểu khách hàng và sáng tạo ra những tính năng riêng biệt cho sản phẩm của mình.
 

Tư duy gốc đám mây

Các công ty “sinh ra trên đám mây” – chẳng hạn như gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix, Spotify, hay công ty gọi xe Grab, Uber và nền tảng đặt phòng Airbnb – đã tận dụng những lợi thế của công nghệ gốc đám mây để tạo ra sự đột phá và mở rộng quy mô toàn cầu trong vài năm ngắn ngủi.
 
Với những lĩnh vực đòi hỏi sự tương tác cao như như fintech hay smartcity thì việc sử dụng đám mây dường như là cái đích hiển nhiên, bởi chỉ hệ thống này mới giải quyết được bài toán tích hợp vô số ứng dụng phức tạp và các luồng dữ liệu luôn luôn thay đổi. Giờ đây, để cạnh tranh, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải có tư duy xây dựng ứng dụng của mình dựa trên đám mây.
 
Tuy nhiên, “lên đám mây” không phải là điều đơn giản. Tại buổi tọa đàm trực tuyến Techfest Startup ICT ngày 4/12, ông Trịnh Minh Giang, giám đốc công ty VTI Cloud, chia sẻ, ông đã gặp những nhóm xây những kiến trúc công nghệ khả thi cho hoạt động ở quy mô nhỏ vài trăm người, nhưng không thể chạy được khi nhu cầu truy cập lên tới vài nghìn, thậm chí là vài triệu người. Phần lớn chúng là những ứng dụng được thiết kế để triển khai trên những hệ thống on-premises truyền thống.
 
Trong bối cảnh đám mây trở nên phổ biến, nhiều công ty đã điều chỉnh các ứng dụng hiện có của mình để tương thích với đám mây hoặc có thể chạy trên đám mây. Nhưng không phải lúc nào quá trình này cũng trơn tru, bởi những thiết kế truyền thống có sự khác biệt căn bản cả về ngôn ngữ lập trình, khả năng cập nhật ứng dụng, điều chỉnh tài nguyên, tích hợp và thay đổi kiến trúc so với hệ thống đám mây.
 

Lịch sử thay đổi về kiến trúc ứng dụng | Nguồn: VTI Cloud

Lịch sử thay đổi về kiến trúc ứng dụng | Nguồn: VTI Cloud

 

Tối ưu chi phí

Meeyland là một công ty công nghệ bất động sản đã xác định sẽ đi theo hướng đám mây ngay từ đầu. Mới chỉ thành lập 2 năm, nhưng công ty đã chuẩn bị một hệ sinh thái gồm 26 sản phẩm công nghệ được kết nối với nhau qua một nền tảng định danh, bao gồm các ứng dụng để khách tìm kiếm thông tin động sản, nền tảng hỗ trợ quảng cáo đa kênh cho người bán, và nền tảng quản lý quan hệ khách hàng CRM cho nhà môi giới. Họ dự kiến sẽ tích hợp thêm các sản phẩm mới về định giá, thanh toán không tiền mặt và một vài công nghệ AI, VR/AR để khách hàng hình dung tốt hơn về căn nhà mà mình muốn mua bán.
 
Ông Hoàng Mai Chung, phó tổng giám đốc Meeyland, tự hào nói rằng việc áp dụng công nghệ đám mây đã cho phép họ nhanh chóng phát triển các sản phẩm mà không phải lo lắng nhiều về hạ tầng, bảo mật hay độ ổn định. Tuy nhiên, có hai điểm mà ông vô cùng băn khoăn.
 
Thứ nhất là chi phí, “Hiện nay, mức độ truy cập vẫn còn ít và cũng là những luồng dữ liệu đơn giản (text, hình ảnh…) nhưng chi phí cho đám mây đã lên tới hàng chục ngàn USD. Với kế hoạch kinh doanh của công ty thì khi sản phẩm chính thức ra thị trường, khả năng con số này sẽ tăng lên đột biến”, ông Chung nói.
 

Việc chuyển đổi giữa các hạ tầng công nghệ khác nhau có thể không dễ dàng | Ảnh: Oracle

Việc chuyển đổi giữa các hạ tầng công nghệ khác nhau có thể không dễ dàng | Ảnh: Oracle
 
Điều này đã khiến ban giám đốc của công ty lo ngại. Họ thậm chí nghĩ đến cả phương án chuyển một phần dịch vụ từ đám mây ‘xuống đất’.
 
Nhưng, nếu như chuyển một hạ tầng ở dưới mặt đất lên đám mây đã khó, thì việc chuyển ngược lại còn vất vả hơn gấp bội, bởi trên đám mây có rất nhiều dịch vụ tự động về an ninh, quản lý, lưu trữ, tính toán… mà khi đưa xuống, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng lại hoàn toàn các tính năng đó, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ hệ thống dừng hoạt động.
 
Điểm thứ hai mà đại diện Meeyland lo ngại là vấn đề nhân sự. Họ đã rất vất vả để kiếm được một kỹ sư DevOps có đủ khả năng hiểu về hệ thống đám mây để thiết kế và quản lý các ứng dụng của mình. Thời gian tới, họ muốn mở rộng nhóm nhân sự này lên 3-5 người, nhưng dường như đó là điều bất khả thi.
 
Trên thực tế, nhân sự vấn đề chung của cả ngành IT. Ngay cả những công ty công nghệ như VTI Cloud hay Amazon Web Service (AWS) Việt Nam cũng thừa nhận việc tuyển được nhân sự DevOps là điều không dễ dàng, chưa nói đến các công ty chuyên về kinh doanh như Meeyland.
 
Vậy làm sao để những doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ vượt qua được trở ngại về chi phí và nhân sự? Là một người thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lưu Danh Anh Vũ, giám đốc khu vực tại AWS Việt Nam, khuyên rằng, trước tiên các startup hãy xem lại cách thiết kế, lập trình ứng dụng của mình để tối ưu hóa chi phí.
 
“Bằng cách cấu hình đúng (right size) hoặc áp dụng các nguyên tắc lập trình tiết kiệm tài nguyên, một doanh nghiệp có thể giảm dung lượng sử dụng tài nguyên đám mây rất nhiều lần, khiến chi phí sử dụng đám mây giảm đi đáng kể”, ông nhận xét.
 
Bên cạnh đó, ông chỉ ra một “lỗi” mà startup thường gặp khi dùng đám mây – đó là trả tiền theo nhu cầu (on demand). “Điều này chỉ phù hợp khi startup trong giai đoạn R&D hoặc thử nghiệm sản phẩm để dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Còn khi đã ở giai đoạn ra thị trường, cần sử dụng đám mây liên tục thì việc tham gia vào các gói tiết kiệm (saving plans) để thuê tài nguyên dài hạn hoặc thuê ở những phút không ai sử dụng có thể giúp doanh nghiệp giảm đến 70% chi phí so với cách thông thường.”
 
Còn về bài toán nhân sự, trong điều kiện ‘nhân tài hiếm như lá mùa thu’, ông Trịnh Minh Giang cho rằng các công ty kinh doanh như Meeyland nên hợp tác với các chuyên gia tư vấn công nghệ để hỗ trợ quy trình xây dựng ứng dụng dựa trên gốc đám mây, đồng thời tận dụng kinh nghiệm mà các chuyên gia này đã tích lũy được khi triển khai đám mây cho những doanh nghiệp tương tự.
 
“Các công ty nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Giai đoạn mà startup nghĩ rằng mình có thể tự làm được là một giai đoạn rất nguy hiểm,” ông Giang nhấn mạnh.

 

Về VTI Cloud

VTI Cloud là Đối tác cấp cao (Advanced Consulting Partner) của AWS, với đội ngũ hơn 50+ kỹ sư về giải pháp được chứng nhận bởi AWS. Với mong muốn hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số và dịch chuyển lên đám mây AWS, VTI Cloud tự hào là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn giải pháp, phát triển phần mềm và triển khai hạ tầng AWS cho khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.
Xây dựng các kiến trúc an toàn, hiệu suất cao, linh hoạt, và tối ưu chi phí cho khách hàng là nhiệm vụ hàng đầu của VTI Cloud trong sứ mệnh công nghệ hóa doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi: Tại đây

 
Theo https://khoahocphattrien.vn
 

Related news

what’s up at VTI