see more blog

Doanh nghiệp Việt có thêm lựa chọn “lên mây tại chỗ” với dịch vụ AWS Outposts


Giải pháp quản lý toàn diện mới của AWS (AWS outposts) cho phép khách hàng vừa tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại chỗ, mà vẫn dịch chuyển lên môi trường điện toán đám mây.

Đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, việc doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh đã không còn được xem là một sự cân nhắc, mà trở thành nhu cầu cấp thiết đối với cả doanh nghiệp lớn, hay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tủ rack AWS Outposts.

Trong đó, chuyển dịch lên môi trường điện toán đám mây được xem là bước khởi đầu quan trọng, để tiến tới áp dụng số hóa cho toàn bộ hệ thống. Đối với một số doanh nghiệp, việc chuyển dịch này gặp một số thách thức như yêu cầu về độ trễ thấp, quy trình yêu cầu tuân thủ lưu trữ dữ liệu cao, hay ràng buộc phải lưu trữ dữ liệu tại chỗ ở trong nước.

Để giải quyết bài toán này, Amazon Web Services (AWS) – một công ty con của Amazon chuyên cung cấp các nền tảng điện toán đám mây, đã ra mắt dịch vụ mang tên AWS Outposts với kỳ vọng đáp ứng được tất cả những yêu cầu kể trên.

Giải pháp “lên mây tại chỗ” dành cho doanh nghiệp Việt

AWS Outposts về cơ bản là một dịch vụ được quản lý toàn diện, cho phép khách hàng truy cập vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ, API và các công cụ của AWS tại bất cứ trung tâm dữ liệu hoặc cơ sở đồng địa điểm nào để có trải nghiệm “đám mây lai” nhất quán.

Theo ông Paul Chen – Trưởng nhóm Kiến trúc sư các giải pháp của AWS khu vực Đông Nam Á, hiện có rất nhiều khách hàng tại Việt Nam mong muốn có được giải pháp này để xây dựng, quản lý và mở rộng quy mô các ứng dụng tại chỗ của mình.

“Chạy trên môi trường điện toán đám mây công cộng luôn là giải pháp tối ưu về mặt chi phí, cũng như được tận hưởng các khả năng về quản lý, về bảo mật… Tuy nhiên có những ứng dụng đặc thù mà không thể triển khai trên môi trường điện toán đám mây công cộng được thì OutPosts sẽ là một giải pháp hợp lý cho khách hàng”, ông Chen cho biết.

Ông Paul Chen – Trưởng nhóm Kiến trúc sư các giải pháp của AWS khu vực Đông Nam Á.

Ưu điểm đầu tiên khi sử dụng AWS Outposts là doanh nghiệp có thể vận hành tại chỗ các dịch vụ tính toán, lưu trữ, cơ sở dữ liệu và các dịch vụ khác của AWS, tạo ra trải nghiệm đám mây AWS nhất quán trên toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của họ nhằm đảm bảo yêu cầu về độ trễ thấp hoặc tùy chọn xử lý dữ liệu nội bộ. Các loại ứng dụng công việc này chẳng hạn như máy móc trong nhà xưởng, hệ thống quản lý y tế, ứng dụng giao dịch tài chính hoặc trò chơi thực tại ảo và phát video trực tuyến.

Ông Chen cũng cho biết AWS Outposts sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển lên đám mây dễ dàng hơn bằng cách tách riêng các thành phần của ứng dụng có hoạt động phụ thuộc vào hệ thống tại chỗ, chẳng hạn như các kết nối với các hệ thống nội bộ có yêu cầu về độ trễ thấp và không thể chuyển ngay lên đám mây. Sau khi phân tách, doanh nghiệp có thể tập trung vào việc hiện đại hóa để giảm thiểu sự phụ thuộc của ứng dụng vào hạ tầng tại chỗ, sau đó hoàn tất quá trình di chuyển lên đám mây khi đã sẵn sàng.

Doanh nghiệp dạng nào sẽ phù hợp triển khai AWS OutPosts?

Hiện nay, có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam bao gồm quy trình, yêu cầu về kiểm soát quy trình và phần lớn các hoạt động kiểm soát quy trình vẫn nằm trong môi trường tại chỗ. Đây được xem là lĩnh vực tiềm năng mà OutPosts có thể ứng dụng ở Việt Nam, nhờ đảm bảo yêu cầu quy trình trong nhà máy tự động hóa.

Theo gợi ý từ AWS, những doanh nghiệp Việt phù hợp để sử dụng dịch vụ AWS Outposts sẽ còn bao gồm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính vì quy trình yêu cầu tuân thủ lưu trữ dữ liệu cao. Sau đó là ngành viễn thông, truyền hình với đặc điểm cần độ trễ thấp để xử lý thông tin, dữ liệu. Nhóm ngành thứ 3 có thể triển khai tốt AWS OutPosts là những nhà máy sản xuất lớn như sản xuất ô tô, sản xuất thiết bị smartphone…

Ngoài ra, giải pháp AWS OutPosts cũng là hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước trong việc lưu trữ dữ liệu và vị trí đặt máy chủ trong nước.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, AWS cũng hướng đến tư vấn triển khai dịch vụ Outposts thông qua từng bước nâng cấp địa điểm lắp đặt. Đại diện của AWS cho biết sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến điều tra môi trường vật lý lắp đặt đối với mỗi doanh nghiệp, sau đó đánh giá thực tế xem có đáp ứng yêu cầu về mặt môi trường và nguồn điện hay không.

Về bài toán chi phí, AWS cũng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp cơ sở tính toán TCO trong toàn bộ vòng đời của giải pháp để họ có thể so sánh, qua đó đánh giá xem rằng liệu giải pháp này có mang lại nhiều lợi ích hơn so với chi phí hay không.

Đánh giá về hiệu quả tiết kiệm chi phí khi ứng dụng dịch vụ đám mây AWS công cộng nói chung, đại diện doanh nghiệp đơn cử trường hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), khi đưa ra ứng dụng TNEX là ngân hàng thuần số được chạy trên AWS. Theo tính toán dựa trên tổng chi phí sở hữu (TCO), doanh nghiệp này bước đầu đã tiết kiệm tới 63% chi phí khi triển khai giải pháp ngân hàng số trên môi trường AWS.

Một đại diện khác là chuỗi cửa hàng vàng bạc đá quý PNJ, với 350 cơ sở tại Việt Nam. Từ sau khi chuyển dịch sang môi trường điện toán đám mây của AWS, tổng chi phí hoạt động trung bình 1 năm của PNJ đã giảm trung bình gần 30 lần, từ 350.000 USD xuống còn chỉ 12.000 USD/năm.

Về VTI Cloud

VTI Cloud là Đối tác cấp cao (Advanced Consulting Partner) của AWS, với đội ngũ hơn 50+ kỹ sư về giải pháp được chứng nhận bởi AWS. Với mong muốn hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số và dịch chuyển lên đám mây AWS, VTI Cloud tự hào là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn giải pháp, phát triển phần mềm và triển khai hạ tầng AWS cho khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.
Xây dựng các kiến trúc an toàn, hiệu suất cao, linh hoạt, và tối ưu chi phí cho khách hàng là nhiệm vụ hàng đầu của VTI Cloud trong sứ mệnh công nghệ hóa doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi: Tại đây

 

Theo Dantri.com.vn

Related news

what’s up at VTI